Bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn thêm một số quy tắc nữa về lập trình C++. Đó là các kiểu dữ liệu trong C++, phương pháp khai báo biến trong C++. Sang tới bài này, bạn đã bắt đầu bước vào việc lập trình cơ bản rồi. Hãy tập trung bạn nhé.


Kiểu dữ liệu trong C++


Kiểu dữ liệu là gì ?

Kiểu dữ liệu thực chất là việc phân loại và xác định vùng lưu trữ cho dữ liệu mà bạn muốn sử dụng. Giải thích như vậy thì chắc là bạn vẫn chưa hiểu gì lắm phải không? Thôi thì mình lấy ví dụ thế này để bạn dễ hiểu kiểu dữ liệu là gì nhé.

➤ Ví dụ: Khi bạn muốn thể hiện một con số nào đó, chẳng hạn như con số 1110 đi. Thì trong lập trình, con số 1110 là dữ liệu mà bạn muốn sử dụng, đồng thời con số 1110 lại là một số nguyên. Từ những phân tích như trên, thì bạn có thể xác định được kiểu dữ liệu cho con số 1110 là một kiểu số nguyên. Trong C++, số nguyên được biểu diễn bởi từ khoá int, và int chính là một kiểu dữ liệu.

Nhờ vào việc bạn xác định được kiểu dữ liệu cho con số 1110 là kiểu int. Đây là cơ sở để hệ thống giành ra 4 bytes trong bộ nhớ RAM nhằm giúp bạn lưu trữ số nguyên 1110. Có thể bạn đang thắc mắc sao lại là 4 bytes và sử dụng kiểu int như thế nào, phải không? Hãy cứ bình tĩnh bạn nhé, mình sẽ giải thích kỹ hơn ở phần dưới.

Không biết với diễn giải và ví dụ như trên thì bạn đã hiểu được một chút nào chưa? Mình hy vọng là bạn sẽ hiểu được, bởi việc hiểu và xác định được kiểu dữ liệu là việc rất quan trọng trong lập trình.

Phân loại kiểu dữ liệu trong C++

Trong các ngôn ngữ lập trình khác nhau đều sẽ có các kiểu dữ liệu riêng biệt. Và C++ cũng vậy, trong C++ có 02 loại kiểu dữ liệu:

  • Kiểu dữ liệu cơ sở: đây là những kiểu dữ liệu gốc có sẵn trong C++. Dưới đây là bảng danh sách các kiểu dữ liệu cơ sở trong C++.
    Kiểu dữ liệu C++
  • Kiểu dữ liệu tự tạo: đối với kiểu dữ liệu này thì tạm thời bạn chưa cần để ý tới. Mình sẽ giành riêng một bài viết để nói về nó sau nhé.

Từ bảng danh sách các kiểu dữ liệu cơ sở ở trên, bạn đã hình dung được điều gì chưa? Mình giải thích thêm một xíu nhé. Từ bảng danh sách trên, bạn có thể hiểu như sau: “Với mỗi dữ liệu mà bạn muốn sử dụng thì bạn cần tra xem dữ liệu đó tương ứng với kiểu dữ liệu nào ở danh sách trên. Và dữ liệu đó có phù hợp với phạm vi cho phép của mỗi kiểu dữ liệu hay không. Nếu thoả cả 02 yếu tố thì đó chính là kiểu dữ liệu mà bạn cần sử dụng.”

➤ Ví dụ: con số 1110 mà chúng đã đã xác định được là kiểu int ở ví dụ trên. Nhưng bây giờ nếu dựa vào bảng này, thì bạn cũng có thể xác định được là ngoài kiểu int thì cũng có thể sử dụng kiểu short, unsigned short hoặc unsigned int đều được. Hoặc nếu bạn muốn thể hiện dữ liệu là một con số thực (có phần lẻ). Chẳng hạn như 19.2 thì chắc chắn bạn sẽ cần sử dụng kiểu float hoặc double.


Biến và khai báo biến


Sau khi đọc phần kiểu dữ liệu, bạn có thắc mắc là dùng nó như thế nào không? Chắc là có phải không nào. Phần kiểu dữ liệu mình mới chỉ trình bày kiểu dữ liệu là gì và cách xác định kiểu dữ liệu mà thôi. Chưa có bất kỳ nội dung nào đề cập tới việc sử dụng kiểu dữ liệu cả. Và phần này mình sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng kiểu dữ liệu thông qua việc khai báo biến.

Biến là gì?

Biến là một đại lượng đại diện cho một vùng nhớ nào đó trên bộ nhớ RAM của máy tính. Hiểu theo cách khác, biến được sử dụng để lưu trữ các dữ liệu do người dùng nhập vào hoặc các dữ liệu tạm thời trong quá trình tính toán. Mỗi biến sẽ có tên và kiểu dữ liệu tương ứng.

  • Tên biến được dùng để xác định vùng nhớ đang được sử dụng trên bộ nhớ. Từ đó bạn có thể truy xuất tới dữ liệu đang được lưu trữ trong vùng nhớ này.
  • Kiểu dữ liệu của biến xác định những dữ liệu nào sẽ được lưu trong vùng nhớ do biến quản lý. Ví dụ: nếu một biến có kiểu dữ liệu là int, thì biến này chỉ được phép lưu trữ các số nguyên mà thôi.

Chắc vẫn hơi khó hiểu phải không nào? Thôi thì mình sẽ quay lại ví dụ trước trong phần kiểu dữ liệu nhé. Trong ví dụ trước mình đã xác định được kiểu dữ liệu dùng để thể hiện cho con số 1110 là int. Nhưng đó mới chỉ là xác định về mặt lý thuyết mà thôi. Còn trong lập trình thì con số 1110 phải được lưu trữ và thể hiện bởi một biến nào đó, và biến này sẽ có kiểu là int. Vậy thì khai báo và sử dụng biên như thế nào? Bạn hãy theo dõi tiếp nhé.

Khai báo biến

Cú pháp khai báo biến

Để khai báo một biến, bạn cần tuân thủ theo cú pháp sau:
Khai báo biến ➤ Ví dụ: Bây giờ, chúng ta hãy thử khai báo một biến để lưu trữ con số 1110 nhé.
Khai báo biếnMình phân tích ví dụ trên một xíu nhé:

  • Dòng 1: dòng này chúng ta đã khai báo một biến có tên là songuyen. Biến songuyen này có kiểu int. Tại thời điểm khai báo, biến songuyen chưa có bất kỳ giá trị nào cả.
  • Dòng 2: thực hiện việc gán giá trị 1110 vào biến số nguyên. Lúc này biến songuyen đã có giá trị là 1110. Hiểu theo cách khác, biến songuyen đã lưu trữ con số 1110 vào vùng nhớ do biến này quản lý. Vùng nhớ này sẽ chiếm 4 bytes (xem bảng danh sách các kiểu dữ liệu) trên bộ nhớ của máy tính. Bạn hãy lưu ý, biến songuyen có kiểu int nên giá trị gán vào phải là số nguyên. Do 1110 là số nguyên như đã phân tích vì vậy việc gán vào biến songuyen là hợp lệ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thực hiện việc khai báo biến kết hợp với gán giá trị luôn như bên dưới cũng được.
Khai báo biến

Khai báo nhiều biến có cùng kiểu dữ liệu

Trong trường hợp bạn cần khai báo nhiều biến, đồng thời các biến này có cùng kiểu dữ liệu với nhau. Thì lúc này bạn có thể khai báo một cách rút gọn như sau:
Khai báo biến➤ Ví dụ: Chúng ta hãy cùng xét ví dụ sau.
Khai báo biếnNào, giờ thì chúng ta hãy phân tích ví dụ trên nhé

  • Dòng 1: khai báo cùng lúc 03 biến có tên lần lượt là a, bc. 03 biến này đều có cùng kiểu dữ liệu là int. Do đó 03 biến này chỉ có thể lưu trữ giá trị là số nguyên mà thôi. Tại thời điểm khởi tạo, cả 03 biến đều chưa có giá trị. Đây là cách khai báo rút gọn cùng lúc nhiều biến, tuy nhiên nếu không thích bạn vẫn có thể khai báo lần lượt từng biến như cách phía trên.
  • Dòng 2: khai báo cùng lúc 02 biến xy. 02 biến này có cùng kiểu dữ liệu là float. Do đó 02 biến này chỉ có thể lưu trữ giá trị là số thực mà thôi. Trong cách khai báo này, mình thực hiện luôn việc gán giá trị cho 02 biến xy. Vì thế sau khi khai báo, biến x sẽ có giá trị là 3.9 và biến y sẽ có giá trị là 19.2.

Tới đây bạn đã hiểu về biến chưa nào? Hãy nhớ là kiểu dữ liệu ở phần trên không sử dụng một mình mà được sử dụng kết hợp trong nhiều mục đích. Và khai báo biến là một trong những ứng dụng của kiểu dữ liệu.

Quy tắc đặt tên biến

Khi khai báo một biến, không phải bạn muốn đặt tên thế nào cũng được. Nếu đặt tên không đúng có thể dẫn tới việc gây lỗi cho chương trình. Vì vậy bạn cần tuân thủ một số quy tắc đặt tên biến như sau:

  • Tên biến phải được bắt đầu bằng một ký tự.
  • Các ký tự trong tên biến chỉ có thể là các ký tự chữ, số hoặc dấu gạch dưới (_). Ví dụ:
    • bien_1, _bien 2, fabiti23 ➜ là những tên biến hợp lệ.
    • bi&en, 2bien, f b, float ➜ là những tên biến không hợp lệ.
  • Không được trùng với các từ khoá.
  • Không được trùng với các biến đã được khai báo trong cùng một phạm vi.
  • Tên biến nên đặt sao cho dễ hiểu, súc tích và gợi nhớ.
  • Tên biến trong C++ phân biệt chữ hoa và thường. Ví dụ:
    • BIEN, Bien, bieN ➜ được hiểu là những tên biến khác nhau và được chấp nhận.
    • If, Goto, iNt ➜ là những tên biến hợp lệ mặc dù trùng với từ khoá nhưng do phân biệt hoa và thường nên được xem là khác nhau.

Tổng kết


Trong phần này mình đã hướng dẫn tới bạn kiểu dữ liệu và biến là gì. Qua đó bạn cũng được tiếp cận phương pháp khai báo biến và sử dụng biến trong C++. Nội dung bài này có thể bắt đầu hơi khó hiểu đối với bạn mới, nhưng cũng không phải là quá khó đến nỗi không học được, phải không nào. Nói về biến thì những nội dung trên cũng chưa phải đầy đủ hết, nhưng mình sẽ phân tách ra thành các bài khác nhau. Mình nghĩ là học từng phần một sẽ hiệu quả cho các bạn mới hơn là nhồi nhét. Nếu phần này có gì không hiểu thì bạn hãy cứ comment bên dưới nhé.

5 1 vote
Đánh giá bài viết
Subscribe
Notify of
guest

1 Bình luận
cũ nhất
mới nhất
Inline Feedbacks
View all comments
Mr Hii

Dễ hiểu quá! Tks nhiều